Sau khi giảm giá liên tục trong hai tháng 9 và 10/2019, giá thép xây dựng đầu tháng 11/2019 đã có nhiều dấu hiệu chững lại và quay đầu tăng giá. Mặc dù, các nhà máy sản xuất chưa có động tĩnh về việc tăng giá, tuy nhiên giá đã chững không giảm thêm nữa. Đây là tín hiệu cho thấy mức giá thép hiện nay trên thị trường nội địa đã đạt đáy.
Ông Đồng Thanh Tùng – một đại lý thép xây dựng lâu năm cho biết, xu hướng giá thép xây dựng cuối năm thường tăng lên so với các tháng trong năm và giờ cũng bắt đầu rơi vào thời kỳ cận Tết và cuối năm. Đây có thể là thời điểm bắt đáy, các khách hàng có nhu cầu xây dựng nên nắm bắt thời điểm này để mua thép vào sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.
Nhận định trên là khá hợp lý khi giá thép xây dựng ngày 1/11 tăng, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng 1,6%, hồi phục từ mức giảm 2 phiên liên tiếp trước đó do nhu cầu từ lĩnh vực hạ nguồn tăng. Hiện tại giá bán tại các nhà máy ở mức khoảng từ 12.200 – 15.500 đồng/kg (giá giao nhà máy, chưa bao gồm 10% VAT, chiết khấu bán hàng).Giá thép xây dựng bán lẻ phổ biến tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 12.800 – 15.600 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Nam, giá thép dao động ở mức 13.000 – 15.500 đồng/kg.
Báo cáo triển vọng ngành thép năm 2019 mới được VCBS công bố cho biết, trong năm 2019, khả năng giá thép giảm sâu xuống dưới 12 triệu đồng/tấn là khá thấp do thuế tự vệ bổ sung vẫn còn kéo dài tới hết tháng 3/2020, thép phế liệu vẫn duy trì ở mức khá cao (350 USD/tấn) so với giai đoạn 2015-2017 (250 – 300 USD/tấn) cùng với việc bị siết chặt nhập khẩu dẫn tới các nhà sản xuất từ lò điện sẽ có xu hướng nhập phôi đang giảm giá từ Trung Quốc về để cán.
Cũng tại báo cáo, VCBS nhận định, sản lượng tiêu thụ thép tiếp tục tăng trưởng do đầu tư công đẩy mạnh trong giai đoạn 2019 đặc biệt các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng là thiết yếu trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo đó, nhu cầu đối với sản phẩm xây dựng cơ bản như thép vẫn ở mức cao. Bộ Công thương dự báo tiêu thụ thép sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 15%/năm cho tới năm 2020 (tương đương mức tiêu thụ 285 kg thép/người, mức trung bình của khu vực ASEAN).
Thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam cũng cho biết, sau 10 tháng, Tập đoàn Hòa Phát – Doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đã sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vững thị phần số 1 Việt Nam.
Sản lượng bán hàng của Hòa Phát tăng mạnh nhất tại khu vực miền Nam, đạt 328.100 tấn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép cuộn nguyên liệu cho rút dây tăng đột biến gấp 4 lần so với cùng kỳ. Khu vực miền Trung đạt 329.800 tấn, tăng gần 50% so với sản lượng 10 tháng của năm 2018.
Không chỉ dẫn đầu thị trường trong nước, thép Hòa Phát còn được đón nhận tích cực trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng xuất khẩu thép đạt 205.800 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm 9,3% tổng sản lượng bán hàng.
Ngoài việc tự chủ nguồn phôi sản xuất thép xây dựng, thép rút dây, thép dự ứng lực, Hòa Phát còn cung cấp phôi thép cho các nhà máy cán trong nước. Chỉ trong 2 tháng gần đây, Hòa Phát đã cung cấp trên 60.000 tấn phôi cho các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác.
Cũng theo Hiệp hội thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,3 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD. Ngành sản xuất thép trong nước những tháng cuối năm vẫn phát triển tương đối ổn định về giá cả và thị trường.
Nguồn tin: Enternews.