; ;

Chưa tăng thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ sau khi lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng, nhằm đảm bảo không xáo trộn sản xuất kinh doanh trong nước.

 

Lo ngại thép giá rẻ tràn vào Việt Nam

Thời gian vừa qua có một số thông tin báo chí cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể lan tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3.

Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó là nhập từ Trung Quốc. Nếu không có biện pháp tăng thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng này, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, gây bất ổn thị trường thép Việt Nam.

Theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong nước đã sản xuất được một số mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 (gồm các mặt hàng: thép cán phẳng, dạng cuộn, cán nóng, đã ngâm, tẩy, gỉ thuộc các mã hàng 72082600, 72082790; thép cán phẳng, dạng cuộn, cán nóng/loại khác thuộc các mã hàng 72083600, 72083700, 72083800, 72083900; thép cán nóng dạng không cuộn thuộc các mã hàng 72085300, 72085400).

Do đó, tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%, do trong nước đã sản xuất được.

Chưa tăng thuế vì ảnh hưởng tới doanh nghiệp

Sau khi gửi xin ý kiến dự thảo nghị định, Bộ Tài chính – cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo – đã nhận được nhiều ý kiến về nội dung này.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thép, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của các doanh nghiệp trong nước tính đến tháng 12/2018 đạt 3,4 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng trong nước khoảng hơn 10 triệu tấn/năm. Như vậy, năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng gần 40%.

Tuy nhiên, công ty Formosa chỉ đủ cung cấp 34% tổng nhu cầu mặt hàng này trong nước và lượng cung không đủ cầu nên để mua thép của Formosa, các doanh nghiệp phải mua theo phân bổ, giá cả không thương lượng và không đủ sản lượng để đáp ứng sản xuất.

Dự kiến cuối năm 2019 khi nhà máy của Công ty Hòa Phát tại Dung Quất đi vào hoạt động sản lượng sẽ tăng lên, nhưng cũng chưa đủ 50% nhu cầu trong nước và thép do Hòa Phát sản xuất ra phục vụ cho chế biến của chính nhà máy này. Đồng thời, thép sản xuất trong nước chỉ là loại có tiêu chuẩn thông dụng, chưa có sản phẩm tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

Theo ý kiến của Bộ Công thương, năng lực sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, bộ này đề nghị không điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

Tiếp thu ý kiến tham gia của các đơn vị, trong bản dự thảo nghị định mới nhất chuẩn bị trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu mặt hàng thép cán nóng thuộc nhóm 72.08.

Đề xuất này nhằm đảm bảo không xáo trộn sản xuất kinh doanh trong nước và việc tăng thuế trong giai đoạn này sẽ tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, có thể làm tăng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá nhập khẩu đắt phải chuyển sang nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn.

Nguồn tin:Thoibaotaichinhvietnam

 

  • Bình luận
  • 0
phần mềm quản lý bán hàng vật liệu xây dựng